Chuyên gia Quản Trị và An ninh mạng – cơ hội việc làm ổn định trong thời đại CNTT
ngày 06-03-2017
Nhu cầu thực tế
Mạng máy tính ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc ứng dụng CNTT vào các ngành công nghiệp, dịch vụ trên toàn thế giới. Đây là phần thật sự quan trọng, không thể thiếu trong các chiến lược ứng dụng CNTT tại doanh nghiệp, đơn vị để đảm bảo hoạt động của các ứng dụng CNTT được nhanh chóng, an toàn và bảo mật. Việc xây dựng và vận hành các hệ thống mạng máy tính hiệu quả chính là trọng trách của đội ngũ Quản trị và An ninh mạng, những nhân lực rất am tường về chuyên môn và công nghệ, các vị trí không thể thiếu trong các doanh nghiệp, tổ chức hiện nay.
Theo thống kê của forbes.com trong 3 năm gần đây, yêu cầu tuyển dụng Quản trị và An ninh mạng luôn nằm trong top các công việc IT có nhu cầu cao và dự đoán vẫn ở mức cao với mức tăng trưởng trung bình khoảng 10%/năm đến 2020.
Am hiểu Hạ tầng mạng
Thiết kế, triển khai hạ tầng mạng tức là bạn đưa ra giải pháp kết hợp các thiết bị đầu nối, chuyển mạch, định tuyến, xử lý đa dịch vụ,… với nhau để tạo nên các hệ thống mạng LAN/WAN đáp ứng yêu cầu của đơn vị, doanh nghiệp. Trong thời đại Công nghệ Thông tin hiện nay, yêu cầu hạ tầng mạng ổn định là điều cần thiết đầu tiên để cơ quan, đơn vị có thể triển khai được các dịch vụ, ứng dụng liên quan. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng mạng cần phải tối ưu tốc độ, hiệu quả chi phí và còn phải có khả năng hỗ trợ các tác vụ một cách tự động, đơn giản hóa quá trình quản lý và có thể dễ dàng chuyển đổi, nâng cấp, mở rộng sau này.
Để xây dựng cơ sở hạ tầng mạng, các thiết bị Cisco thường là lựa chọn của các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Các tổ chức, doanh nghiệp thường sử dụng Cisco như một giải pháp kết nối mạng phù hợp khi họ muốn triển khai hoặc thiết lập hệ thống hạ tầng mạng cho đơn vị của mình. Các thiết bị hạ tầng mạng và các giải pháp của Cisco có ưu điểm là giúp đơn giản hóa việc xây dựng kiến trúc mạng hạ tầng mà vẫn đảm bảo tính tối ưu của hệ thống nhờ cách thức tiếp cận mở và linh động.
Để chứng nhận ứng viên am hiểu về Cisco, Cisco đưa ra các nội dung chương trình và hệ thống chứng chỉ từ cấp độ cơ bản CCNA, chuyên sâu CCNP đến chuyên gia CCIE. Một điều lưu ý là Cisco chỉ tiến hành các kỳ thi cấp chứng chỉ quốc tế cho các chương trình này còn việc trang bị kiến thức, kỹ năng thì ứng viên có thể chọn cho mình trung tâm đào tạo phù hợp. Thực tế trong chương trình CCNA, CCNP có khá nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế triển khai hệ thống mạng tại Việt Nam nên qua quá trình tham gia tư vấn, triển khai các dự án hạ tầng mạng tại các doanh nghiệp và các đơn vị Sở Ban Ngành, Trung Tâm Tin Học đã chắt lọc các nội dung hữu ích, thiết thực nhất về hạ tầng mạng từ CCNA, CCNP để đưa vào khóa học “Quản trị hạ tầng mạng”. Chương trình học chú trọng thực hành và giải quyết vấn đề thực tế với nhiều tình huống giả lập được giảng dạy, thực hành thao tác trên các sản phẩm của hãng Cisco giúp Học viên hiểu rõ và sau đó có thể dễ dàng triển khai trên các thiết bị của hãng khác như Juniper, HP,… Ngoài ra, chương trình còn bổ sung vào phần cân bằng tải trên thiết bị Draytek, một tính năng công nghệ rất quan trọng và cần thiết giúp hệ thống mạng hoạt động hiệu quả hơn và có tốc độ xử lý đạt mức tối ưu nhất.
Kết thúc khóa học, học viên hoàn toàn có thể thiết kế được một hệ thống mạng với số lượng user khoảng hơn 100 người với khoảng 5-10 chi nhánh. Học viên sẽ phân tích được các yêu cầu hiện tại của đơn vị và có thể tiến hành nghiên cứu, lập phương án triển khai, xây dựng và vận hành hệ thống một cách liên tục, ổn định và hiệu quả.
Quản trị Hệ thống mạng hiệu quả
Sau khi cài đặt hạ tầng mạng, để tổ chức và khai thác các tài nguyên trong hệ thống mạng được hiệu quả, Chuyên gia Quản trị mạng sẽ cài đặt hệ điều hành quản trị hệ thống mạng rồi sau đó triển khai các dịch vụ mạng, ứng dụng mạng trên hệ thống. Chuyên gia Quản trị hệ thống mạng sẽ có trách nhiệm bảo đảm hiệu suất, tài nguyên và an toàn của hệ thống sao cho đáp ứng yêu cầu của người sử dụng trong ngân sách cho phép.
Tham gia khóa học Quản trị hệ thống mạng tại Trung Tâm, học viên sẽ được trang bị những kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế để có thể quản trị hệ thống Windows Server 2012 và các ứng dụng trên Windows Server 2012 như Active Directory, DNS, DHCP, NAP, NLB, DAC... một cách tối ưu nhất. Ngoài các nội dung bám sát yêu cầu các môn thi của chứng chỉ quốc tế MCSA (70-410, 70-411, 70-412), học viên còn được trang bị thêm kiến thức và thực hành cài đặt, cấu hình và quản trị trên 3 dịch vụ mạng phổ biến trong thực tế tại cơ quan, doanh nghiệp như: Exchange Server, Gateway và Internet Information Services. Với phương pháp học “Agile”, học viên sẽ được thực hành từ những bài tập giả lập đơn giản rồi hoàn chỉnh dần với nhiều tình huống, vấn đề cần xử lý mô phỏng thực tế để có thể tự tin ứng phó giải quyết các tình huống thực tế. Trong quá trình học, học viên cũng được trang bị kiến thức liên quan về ảo hóa trên nền tảng Windows (Hyper-V), từ đó từng bước định hướng để tối ưu hóa hệ thống khai thác tối ưu tài nguyên vật lý để có thể triển khai được nhiều dịch vụ hơn, từng bước xây dựng hệ thống điện toán đám mây (Cloud Computing) sau này.
An ninh mạng
Sau khi hệ thống mạng đã vận hành ổn định, yêu cầu tiếp theo là phải đảm bảo an toàn thông tin trên hệ thống mạng. Không chỉ các giao dịch trực tuyến, mua bán, chuyển tiền online mà các thông tin các nhân, hồ sơ sức khỏe điện tử, danh bạ số… người dùng đều yêu cầu hệ thống phải được bảo mật và an toàn. Đặc biệt, trong thời gian gần đây không chỉ hacker cá nhân cố ý truy nhập vào máy tính, đánh cắp thông tin mà còn có cả những tội phạm có tổ chức cố ý đánh cắp, phá hoại hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh quốc gia. Có thể nói tất cả các ứng dụng dịch vụ mà bất kỳ tổ chức, công ty, doanh nghiệp, trường học, cơ quan ban ngành nào khai thác trên mạng máy tính đều có thể bị “tấn công” như đánh cắp, giả mạo thông tin, nội dung nguy hại hay liên kết có cài mã độc,… nếu không đầu tư giải pháp an toàn, bảo mật thông tin hiệu quả. Trước thực trạng đó, nhu cầu về nhân lực an ninh mạng, an toàn thông tin đang cần thiết và sẽ ngày càng cao trong thời gian tới.
An ninh mạng được xếp vào hàng "cấp cao" hơn quản trị mạng. Tuy nhiên, muốn tham gia vào các chương trình An ninh mạng, người học phải hoàn thành các chương trình hoặc am hiểu về hạ tầng mạng và hệ thống mạng (CCNA, CCNP, MCSA,…) để hiểu rõ nguyên lý lưu chuyển thông tin trên mạng, các nguy cơ có thể bị xâm nhập, tấn công mà có các giải pháp phòng, chống tấn công phù hợp trong ngân sách cho phép.
Đến với khóa học An ninh mạng tại Trung tâm, các bạn sẽ được học những nguyên lý bảo mật (CIA,AAA,..), nắm được những kiến thức cơ bản về mật mã, tìm hiểu về những phương thức tấn công phổ biến hiện nay (Footprinting,Social Engineering,…) để từ đó tìm ra những lỗ hổng và tìm giải pháp khắc phục. Bạn cũng hiểu được những nguyên tắc để thiết lập các chính sách bảo mật trên thiết bị mạng (Router, Switch,..),xây dựng hệ thống Firewall và duy trì để ngăn chặn, phát hiện xâm nhập trái phép.
Chuyên gia Quản trị và An ninh mạng – Nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Đi cùng xu hướng điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), thông minh nhân tạo, tự động hóa, Internet of Things,… là những cải tiến không ngừng về công nghệ trong lĩnh vực mạng máy tính. Không lâu nữa nhiều việc làm sẽ biến mất và nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra và chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để nắm lấy các cơ hội mới này. Chọn cho mình hướng đi là chuyên gia Quản trị và An ninh mạng, bạn có rất nhiều cơ hội nhưng bạn nhớ thường xuyên học hỏi, mở rộng kiến thức, cập nhật các xu hướng công nghệ mạng và bảo mật mới để có những cải tiến phù hợp, ứng dụng ngày càng hiệu quả hơn vào thực tế công việc cũng như có những kế hoạch lộ trình nghề nghiệp phù hợp cho mình trong tương lai.