Khám phá thế giới sáng tạo cùng Generative AI

ngày 07-12-2023

Generative AI, một “kỳ quan” của trí tuệ nhân tạo, giờ đây máy tính không những hiểu, thực thi đúng những điều con người yêu cầu mà còn có khả năng sáng tạo, hiện thực hóa ý tưởng của người dùng. Với Generative AI, máy tính có thể tạo ra những sản phẩm vi diệu, độc đáo, không tưởng: từ những câu chuyện thú vị, những bức tranh đầy màu sắc, đến những đoạn video sống động và thậm chí cả những vật thể 3D tinh xảo. Generative AI giúp khả năng sáng tạo của con người vượt ra ngoài mọi giới hạn.

Bạn đã sẵn sàng để nâng tầm khả năng sáng tạo của mình? 

Không cần phải có kỹ năng chuyên môn sâu, không cần phải mất thời gian và công sức học từ cơ bản đến khi có thể làm và làm được thành thạo, với Generative AI, mọi người đều có thể hiện thực hóa ý tưởng của mình một cách nhanh chóng. Chỉ cần có ý tưởng, hiểu rõ mình muốn gì bạn hoàn toàn có thể nhờ trợ lý Generative AI để làm văn, viết sách, sáng tác nhạc, vẽ tranh, xử lý ảnh, dựng phối cảnh, thiết kế sản phẩm 3D, thậm chí là phát triển các kịch bản phim... 
 
Chúng ta sẽ cùng khám phá sức mạnh của Generative AI và biến những ý tưởng táo bạo thành hiện thực…

ChatGPT và DALL-E  - Những sản phẩm Generative AI quen thuộc

Bước vào thế giới của Generative AI, chúng ta sẽ làm quen với hai người bạn đồng hành vô cùng đặc biệt: 
  • ChatGPT: trợ lý ngôn ngữ, đa năng, có thể giúp bạn tất cả những gì có thể liên quan đến xử lý ngôn ngữ, văn bản….

ChatGPT – một ứng dụng tán gẫu (chat bot) với công nghệ GPT, viết tắt của "Generative Pre-trained Transformer", đang thu hút sự chú ý trong thời gian gần đây. ChatGPT, một chatbot miễn phí do OpenAI phát triển và đưa vào thử nghiệm tháng 11 năm 2022. ChatGPT có khả năng tạo ra câu trả lời cho hầu hết mọi loại câu hỏi, từ vấn đề phức tạp đến các câu hỏi đơn giản hàng ngày. Đặc biệt với công nghệ AI tiên tiến, ChatGPT có hiểu, suy luận và phản hồi một cách thông minh, không những cung cấp thông tin chính xác mà còn có phong cách rất tự nhiên, gần gũi khiến người dùng sẽ có cảm giác như đang đối thoại với một con người thật. ChatGPT được xem là một trong những chatbot AI xuất sắc nhất từ trước đến nay, không chỉ vì khả năng xử lý ngôn ngữ của nó mà còn bởi khả năng học hỏi và thích nghi với các tình huống khác nhau, từ đó cải thiện liên tục dựa trên phản hồi và tương tác với người dùng. ChatGPT đã ngay lập tức thu hút hơn một triệu người đăng ký chỉ trong vòng năm ngày đầu ra mắt. 
Đã có nhiều đoạn tán gẫu, những câu chuyện, những bài viết phân tích một chủ đề nào đó và cả những đoạn code đúng chuẩn phong cách lập trình được chia sẻ, khiến cho mọi người không khỏi ngạc nhiên trước khả năng vi diệu của chatbot AI này. ChatGPT không chỉ đa năng trong việc xử lý nhiều loại nội dung khác nhau mà còn rất “thông minh” và “nhạy bén” trong việc hiểu ý người dùng. Đặc biệt, ChatGPT còn rất lịch sự khi giao tiếp, luôn biết xin lỗi khi sai sót và nói lời cám ơn khi được khen ngợi. Sự kết hợp giữa khả năng xử lý ngôn ngữ tinh vi và thái độ giao tiếp tôn trọng khiến ChatGPT trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực, mở ra nhiều khả năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. 
  • DALL-E: “nghệ sĩ” hình ảnh tài ba, giúp bạn hóa thân thành họa sĩ với rất nhiều ý tưởng sáng tạo, mở ra cánh cửa khám phá thế không giới hạn của nghệ thuật.

 
OpenAI không chỉ có ChatGPT mà còn có DALL-E, một sản phẩm độc đáo giúp ai cũng có thể trổ tài làm họa sĩ mà không cần biết sử dụng các phần mềm đồ họa và các nguyên tắc thị giác phức tạp. Tên gọi DALL-E là sự kết hợp giữa tên danh họa Salvador Dali và robot huyền thoại WALL-E của Pixar. Ra mắt vào đầu năm 2021, DALL-E đã nhanh chóng gây tiếng vang với khả năng tạo ra hình ảnh độc đáo và sáng tạo từ các đoạn mô tả văn bản đơn giản. Với khả năng sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau, DALL-E đã nhanh chóng trở thành công cụ ưa thích cho nhiều nghệ sĩ, nhà thiết kế và sáng tạo nội dung, mở ra một chương mới trong việc kết hợp giữa nghệ thuật và trí tuệ nhân tạo.

Generative AI – Thách thức và cơ hội

Generative AI xuất hiện khiến cho nhiều người không khỏi lo lắng về tác động của AI đối với thị trường lao động, an ninh mạng và vấn đề đạo đức, bản quyền khi sử dụng. Sẽ có một số công việc dần được thay bằng AI, sẽ có những thách thức mới về an toàn thông tin và các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ cần được giải quyết khi ứng dụng Generative AI. 
Nhưng không thể phủ nhận Generative AI cũng mở ra những cơ hội mới trong việc sáng tạo nội dung, nâng cao chất lượng công việc, tối ưu hóa nguồn lực sử dụng. Generative ngày càng được sử dụng rộng rãi. Cuộc khảo sát của McKinsey vào năm 2022 chỉ ra rằng các ứng dụng AI đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm và chi phí đầu tư vào AI đang tăng nhanh tại doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Tất cả “ông lớn” công nghệ trên thế giới đều đầu tư các sản phẩm AI như Bard của Google, Bing AI của Microsoft, DALL-E của OpenAI, Apple đang tìm cách sử dụng AI để cải thiện Siri, Messages và Apple Music…. Cuộc đua giữa các hãng công nghệ lớn đã góp phần thúc đẩy Generative AI phát triển và việc ứng dụng Generative AI trong cuộc sống. 

Generative AI và Trí tuệ nhân tạo

  • Artificial Intelligence (AI): một lĩnh vực rộng lớn của khoa học máy tính. Theo đó, máy tính sẽ mô phỏng hành vi của con người, thực hiện các tác vụ một cách “thông minh” như con người. Ứng dụng AI đã và đang trở nên phổ biến, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của chúng ta nhưng đôi khi chúng ta không nhận ra. Đó chính là trợ lý ảo Siri, Alexa, các chatbot trên các nền tảng trực tuyến giúp trả lời câu hỏi và hỗ trợ khách hàng; các hệ thống đề xuất như “hiểu” người dùng trên Netflix, Amazon, giúp đề xuất phim, sản phẩm phù hợp với sở thích cá nhân; camera thông minh để giám sát an ninh và nhận dạng khuôn mặt; công cụ tìm kiếm như Google, Bing sử dụng AI để cung cấp kết quả tìm kiếm ngày càng gần với nhu cầu của người dùng hơn; Google Translate và các ứng dụng dịch thuật ngày càng dịch “mượt” hơn, thu hẹp rào cản ngôn ngữ giữa các quốc gia và văn hóa. Những ứng dụng này không chỉ làm cho cuộc sống ngày càng trở nên tiện nghi, với các ứng dụng ngày càng “thông minh” hơn, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục, thương mại điện tử, giải trí…
  • Machine Learning, một phần của AI, trong đó máy tính sẽ tự động “học” dữ liệu để đưa ra các kết quả mà không cần được lập trình cụ thể, chi tiết từng bước theo hướng dẫn. Các thuật toán Machine Learning cải tiến cũng có khả năng tự cải thiện hiệu suất qua thời gian dựa trên kinh nghiệm mà không cần con người can thiệp trực tiếp. Đó là các bài toán dự đoán xu hướng thị trường, phân nhóm khách hàng, hệ thống đề xuất sản phẩm hướng người dùng trong các trang web thương mại điện tử…
  • Deep Learning, một nhánh chuyên sâu hơn của Machine Learning, sử dụng các mạng nơ-ron nhân tạo để “học” trên lượng dữ liệu lớn và phức tạp. Các mô hình Deep Learning sẽ tự động phát hiện và “học” dựa trên các mối quan hệ phức tạp trong dữ liệu. Các thuật toán Deep Learning thường được sử dụng trong các lĩnh vực như xử lý hình ảnh, âm thanh và ngôn ngữ tự nhiên. Deep Learning là nền tảng của các hệ thống trợ lý ảo, phân tích cảm xúc, xe tự lái…
  • Generative AI, như một “nhà phát minh” tài ba, dùng sức mạnh của Deep Learning để không chỉ “học” để phát hiện quy luật mà còn sáng tạo nội dung mới, biến dữ liệu thành nghệ thuật, kiến thức và giải pháp. Một kỷ nguyên mới, kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo AI và khả năng sáng tạo không giới hạn của con người đang mở ra. Trong kỷ nguyên này, Generative AI không chỉ là công cụ mà còn trở thành đối tác sáng tạo, giúp mở rộng khả năng biểu đạt và tưởng tượng của con người. Với Generative AI, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm độc đáo, sáng tạo và mới lạ.

Xây dựng mô hình Generative AI

Xây dựng một mô hình Generative AI không chỉ đòi hỏi tài năng, mà còn cần nguồn lực khổng lồ và đầu tư tài chính đáng kể. Do đó sân chơi này thường chỉ nằm trong tay của những “ông lớn” về công nghệ như OpenAI, Alphabet và Meta với ngân sách đầu tư lên đến hàng tỷ đô la với đội ngũ nghiên cứu phát triển có chuyên môn sâu về lập trình, học máy, am hiểu các thuật toán Generative phức tạp. Như theo công bố của OpenAI, chi phí để huấn luyện mô hình ChatGPT 3.0 lên đến hàng triệu đô, bao gồm chi phí thuật toán phần mềm đến chi phí thiết bị phần cứng, dữ liệu, nhân sự,…Thật sự là thách thức tài chính lớn.
Quá trình kiểm thử, đánh giá mô hình cùng với các vấn đề đạo đức và pháp lý, cũng đòi hỏi thời gian và nguồn lực đáng kể. Đầu tư tài chính cho dự án này không chỉ dừng lại ở phần cứng và phần mềm trong giai đoạn xây dựng mà còn là chi phí vận hành. Các công ty có thể chọn mô hình hợp tác với nhau, chia sẻ giá trị có được để giảm bớt gánh nặng tài chính, nhưng rõ ràng, đầu tư vào một mô hình Generative AI là một bài toán lớn cả về mặt kỹ thuật lẫn tài chính.

Generative AI có thể sáng tạo những loại nội dung nào?

Generative AI, với khả năng sáng tạo độc đáo, có thể tạo ra các nội dung đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chi tiết hơn, các loại nội dung Generative AI có thể tạo ra:
  • Văn bản - Text Generation

Generative AI có thể tạo ra nội dung văn bản tự nhiên giống như cách con người viết. Không chỉ tạo ra nội dung văn bản trọn vẹn như yêu cầu mà Generative AI còn có khả năng cải thiện, biến đổi văn bản hiện có dựa trên các yêu cầu hoặc mục tiêu cụ thể. Nội dung văn bản được tạo ra rất đa dạng, có thể đơn giản như một đoạn tin nhắn, email phản hồi hay phức tạp hơn như một bài báo hoặc một chương sách.
Công nghệ này có nhiều ứng dụng thực tế như viết bài, tin tức, xây dựng tài liệu học tập, hệ thống bài tập, câu hỏi trắc nghiệm, viết mô tả sản phẩm, tạo nội dung quảng cáo, viết kịch bản. (Chatbot, Content Creation, Translation, Summarization, Knowledge Management…)
  • Hình ảnh - Image Generation

Generative AI có thể tạo ra hình ảnh mới, từ ảnh nghệ thuật theo trường phái cụ thể đến ảnh mô phỏng chụp thực tế với các thông số chi tiết kỹ thuật cần thiết. Đó có thể là hình ảnh phong cảnh ảo, tác phẩm nghệ thuật sáng tạo hoặc thậm chí là chân dung khuôn mặt người không tồn tại trong thực tế.
Công nghệ này được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như thiết kế đồ họa, quảng cáo, trò chơi điện tử và sản xuất phim… với các hình ảnh chất lượng cao, độc – lạ mà không cần đến quá trình chụp ảnh thực hay quá trình xử lý ảnh phức tạp (Design, Gaming, Data Augmentation, Text-to-Image Synthesis, Advertising and Media…)
  • Âm thanh - Voice Generation

Tạo ra âm thanh tự nhiên, đặc biệt là giọng nói, đã trở thành một trong những ứng dụng đáng chú ý nhất của Generative AI. Không chỉ tạo giọng nói mà Generative AI còn cho phép người dùng điều chỉnh ngữ điệu, cảm xúc và thậm chí cả đặc điểm phát âm riêng biệt. Nhờ đó chúng ta có thể tạo ra các đoạn hội thoại có vẻ tự nhiên hơn.
Đó là các trợ lý ảo có khả năng nói chuyện tự nhiên, nội dung âm thanh cho các sách nói, podcast hoặc quảng cáo. Trong lĩnh vực giáo dục, giọng nói AI có thể được sử dụng để tạo ra các bài giảng đa dạng, phục vụ người học với nhiều ngôn ngữ và phong cách giao tiếp khác nhau. Trong ngành y tế, giọng nói AI có thể hỗ trợ trong việc tương tác với bệnh nhân, cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ, đặc biệt quan trọng trong các ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị. Ứng dụng: Text-to-Speech (TTS), Virtual Assistants, Audiobooks…
  • Phim ngắn diễn hoạt - Video Generation

Generative AI có thể tạo ra các đoạn video mới bằng cách kết hợp hình ảnh, văn bản và âm thanh, giọng nói. Công nghệ này có thể tự động tạo các yếu tố như chuyển động, biểu cảm và ngữ điệu trong những đoạn video ngắn, ấn tượng, độc đáo mà không cần đến quá trình quay phim truyền thống. Ứng dụng: Video games, Education & training, Advertising…)
  • Đối tượng 3D - 3D Object Generation

Generative AI cũng có thể tạo ra các đối tượng 3D có độ chính xác cao, mô phỏng gần như thật các đặc tính của đối tượng. Đó có thể là các vật thể cơ bản đến các cảnh quan, kiến trúc và nhân vật 3D sống động. 
Đó là các nhân vật và môi trường ảo phức tạp trong ngành công nghiệp game và giải trí; hình ảnh phối cảnh 3D công trình trong thiết kế kiến trúc; mô hình 3D của các bộ phận cơ thể, hỗ trợ trong giáo dục và nghiên cứu y khoa; các hình ảnh sản phẩm 3D cho thiết kế sản phẩm…( Gaming, Architecture & product design…)
 
Generative AI có thể tạo ra nội dung rất đa dạng, có thể ứng dụng trong nhiều ngành nghề, từ giải trí đến giáo dục, từ quảng cáo đến kiến trúc. Generative AI thật sự là một công nghệ mang tính cách mạng, một công cụ đa năng, phục vụ nhu cầu sáng tạo và sản xuất nội dung của con người trong kỷ nguyên số.
Có điều là kết quả nhận được từ Generative AI không phải lúc nào cũng chính xác, hợp logic hoặc phù hợp với yêu cầu. Đó là kết quả có được từ các mô hình phức tạp, được huấn luyện trên lượng lớn dữ liệu, không phải từ quy tắc toán học hay lập trình cụ thể. Ví dụ như ChatGPT sẽ gặp khó khăn khi thực hiện phép đếm hoặc giải các bài toán đại số cơ bản, các bài tập lập trình với nhiều điều kiện lồng nhau. Mô hình Generative AI học từ dữ liệu nên  sẽ không "hiểu" các khái niệm theo cách mà con người làm, mà đó là các quy luật “học” được dựa trên các mẫu và xu hướng trong dữ liệu. 
Kết quả của Generative AI là sự kết hợp được hiệu chỉnh cẩn thận của dữ liệu được sử dụng để huấn luyện các thuật toán. Vì lượng dữ liệu này rất lớn, các mô hình có thể cho ra kết quả "sáng tạo" và có tính ngẫu nhiên. Điều này có nghĩa là từ một yêu cầu đầu vào, chúng ta có thể nhận được nhiều kết quả khác nhau, mỗi kết quả phản ánh một khía cạnh, phong cách hoặc quan điểm độc đáo, dựa trên cách mô hình đã "học" từ dữ liệu đầu vào. Chính vì vậy mà Generative AI có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, viết bài báo hoặc tạo nội dung quảng cáo mới lạ, phát triển các kịch bản cho trò chơi hoặc phim chưa từng thấy và thậm chí là tạo ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề kỹ thuật. Nhưng điều đó cũng đặt ra những thách thức về đạo đức và quản lý của người sử dụng kết quả, để đảm bảo rằng các kết quả do Generative AI tạo ra không phát sinh nội dung gây hại hoặc sai lệch.

Mô hình Generative AI có thể giải quyết những vấn đề nào?

Generative AI không chỉ là công cụ sáng tạo đầy tính giải trí mà còn là chìa khóa giải quyết hàng loạt vấn đề trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Khả năng tạo ra sản phẩm nhanh chóng theo yêu cầu, liên tục cải tiến dựa trên phản hồi của người dùng của Gennerative AI sẽ mang đến cho người dùng những trải nghiệm cá nhân hóa tốt nhất và ngày càng tối ưu hơn. Càng ngày Generative AI càng được sử dụng rộng rãi, ví dụ như, trong y tế, có thể sử dụng Generative AI để tạo ra các phiên bản hình ảnh y tế có độ phân giải cao hơn. Trong giáo dục, AI mang đến tài liệu và bài giảng tương tác, còn trong giải trí và trò chơi, nó tạo nội dung độc đáo. An ninh mạng cũng được tăng cường nhờ AI phát triển các kịch bản chống lại các mối đe dọa…
 
Với khả năng mạnh mẽ này, Generative AI không chỉ đơn thuần là công cụ sáng tạo mà còn là giải pháp cho nhiều thách thức phức tạp, mở ra cơ hội kinh doanh và tạo ra giá trị lớn trong nhiều ngành khác nhau.

Những hạn chế của mô hình Generative AI

Có rất nhiều cơ hội mở ra với những kết xuất sáng tạo và giá trị từ mô hình Generative AI như ChatGPT, từ việc cung cấp hỗ trợ tự động trong viết lách, sáng tạo nội dung, đến việc phân tích và xử lý dữ liệu. Tuy nhiên, Mô hình Generative AI cũng đi kèm với những hạn chế và rủi ro. Một trong những hạn chế lớn là vấn đề về độ chính xác và tin cậy của thông tin được tạo ra. Do dựa vào dữ liệu được huấn luyện, AI có thể phản ánh các định kiến và lỗi có trong nguồn dữ liệu gốc. Ngoài ra, việc sử dụng không kiểm soát có thể dẫn đến việc lan truyền thông tin sai lệch, gây hiểu lầm, có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Rủi ro về an ninh và quyền riêng tư cũng là một vấn đề, đặc biệt khi Generative AI được sử dụng để tạo ra nội dung giả mạo hoặc lừa đảo. Các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng mô hình Generative AI có thể đối mặt với rủi ro về uy tín và pháp lý khi có thể vô tình xuất bản nội dung không chính xác, độc hại hoặc vi phạm bản quyền. Điều này yêu cầu cần có các biện pháp an ninh mạnh mẽ và quy định về cách thức sử dụng công nghệ. 
Vì mới xuất hiện, chúng ta chưa thể đánh giá hết tác động dài hạn của mô hình Generative AI. Điều này mang theo một số rủi ro tiềm ẩn - một số đã được biết đến và một số vẫn chưa rõ.
Những rủi ro này có thể được giảm bớt thông qua một số biện pháp. Điều quan trọng nhất là lựa chọn cẩn thận của dữ liệu ban đầu để huấn luyện để tránh nội dung có hại hoặc sai lệch. 
Có một giải pháp là thay vì sử dụng Generative AI có sẵn, các doanh nghiệp, tổ chức có thể sử dụng các mô hình chuyên biệt và tinh chỉnh lại để phù hơp hơn với nhu cầu cụ thể, bài toán cần giải quyết. Các tổ chức có nhiều nguồn lực hơn cũng có thể tùy chỉnh mô hình dựa trên dữ liệu của riêng mình để phù hợp với nhu cầu và giảm thiểu sai lệch. 
Các tổ chức cũng nên đảm bảo có kiểm tra, đánh giá kết quả của Generative AI trước khi dùng và tránh sử dụng Generative AI cho các quyết định quan trọng.
Đây là một lĩnh vực mới và tất cả đều có thể thay đổi. Các doanh nghiệp, tổ chức cần theo dõi và điều chỉnh chiến lược theo sự phát triển của công nghệ AI. Cùng với việc phát triển mô hình và áp dụng Generative AI vào thực tế, chúng ta cũng có thể chờ đợi một môi trường pháp lý mới đang hình thành để quản lý rủi ro và đảm bảo an toàn hơn trong việc sử dụng Generative AI.
Tham khảo: 
https://www.mckinsey.com/featured-insights/mckinsey-explainers/what-is-generative-ai 
https://medium.com/@amol-wagh/whats-generative-ai-explore-underlying-layers-of-machine-learning-and-deep-learning-8f99272e0b0d
https://www.techopedia.com/definition/dall-e#:~:text=What%20Does%20DALL%2DE%20Mean,DALL%2DE%20in%20January%202021. 
https://static1.squarespace.com/static/5bfd6f322487fdb33ce53474/t/642d819f966a5861d6babe14/1680703905763/generativeai_cheatsheet.pdf 
https://pixelplex.io/blog/business-generative-ai-applications-and-use-cases/
https://pixelplex.io/blog/business-generative-ai-applications-and-use-cases/ 
https://www.globaldata.com/store/report/chatgpt-and-generative-ai-trend-analysis/
 
ai
Trung Tâm Tin Học
ai
Trung Tâm Tin Học
Chào mừng bạn đến với Trung Tâm Tin Học.
Bạn đang cần hỗ trợ thông tin gì ạ? Hãy Chat ngay với chúng tôi nhé.