ngày 10-03-2016
Trước khi WPF ra đời, để tạo màn hình gồm các control trên giao diện đồ họa Windows, thông thường lập trình viên sẽ chọn Windows Forms rồi xây dựng theo yêu cầu. Nếu cần hiển thị văn bản, Windows Forms có một số tính năng hỗ trợ văn bản trực tiếp hoặc có thể sử dụng thư viện Adobe’s PDF để hiển thị văn bản. Nếu muốn thể hiện hình ảnh và đồ họa 2 chiều, lập trình viên sẽ dùng GDI+. Để hiển thị video hay phát âm thanh, lập trình viên lại phải sử dụng Windows Media Player, và nếu muốn có xử lý đồ họa 3 chiều, anh ta lại phải dùng Direct3D, một thành phần chuẩn khác của Windows. Tóm lại, lập trình viên quá nhiều kỹ năng công nghệ để có thể giải quyết được yêu cầu của bài toán. WPF là giải pháp hợp nhất nhằm giải quyết tất cả những vấn đề công nghệ nêu trên, hay nói cách khác, WPF cung cấp nhiều tính năng lập trình giao diện trong cùng một công nghệ đơn nhất. Điều này giúp cho quá trình tạo giao diện người dùng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây.
Một ứng dụng phức tạp, gồm nhiều chức năng, trong đó mỗi màn hình chức năng có nhiều thông tin liên quan đến nhiều bộ phận khác nhau thì giao diện đó cần phải có người thiết kế giao diện chuyên nghiệp thiết kế và phải được thống nhất với người dùng để tránh sửa đổi sau này.
Giao diện người dùng với đầy đủ tính năng, trực quan, thuận tiện trên desktop là cần thiết nhưng trong thời đại bùng nổ của Internet, các ứng dụng Web ngày một phát triển thì nhu cầu cho phép ứng dụng cũng có thể hoạt động trên web cũng rất cần thiết. Nếu trước đây lập trình viên phải sử dụng những công nghệ hoàn toàn khác nhau, giống như việc xây dựng hai phiên bản giao diện hoàn toàn độc lập làm phát sinh chi phí thì WPF là một giải pháp cho vấn đề này. Lập trình viên có thể tạo ra một ứng dụng trình duyệt XAML (XBAP) sử dụng WPF chạy trên trình duyệt. Trên thực tế, cùng đoạn code này có thể được dùng để phát sinh ứng dụng WPF chạy độc lập trên Windows.