Phân tích Website với Google Analytics - những hiểu lầm thường gặp

ngày 15-12-2016

Google Analytics là công cụ phân tích, kiểm tra sức khỏe website miễn phí rất phổ biến hiện nay. Bạn có thể biết được trên website của mình những trang web nào, những nội dung nào mà khách hàng quan tâm, những kênh quảng bá nào thật sự hiệu quả, mang lại traffic chất lượng từ những khách hàng quan tâm…. Google Analytics thật sự là công cụ phân tích website hữu ích, cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho nhà quản trị Website, chuyên viên Internet Marketing, SEO,… và cả các nhà quản lý.  
Tuy nhiên khi phân tích các số liệu website với Google Analytics, bạn có thể gặp một số tình huống dễ gây hiểu lầm. Chúng ta hãy cùng phân tích một số tình huống “tưởng là thế, nhưng không phải thế” nào!

1. Thời gian ở lại trung bình trên trang - Average Time on Page 

internet marketing hoc digital
Thời gian ở lại trung bình trên trang là một thước đo hữu ích để đánh giá mức độ quan tâm đến nội dung trang web của người dùng, liệu họ có thực sự đọc nội dung của bạn hay không. Thông tin này có thể gây hiểu nhầm, đặc biệt là nếu trang đó là trang có tỷ lệ thoát (Bounce rate) cao.
Để hiểu được tại sao số liệu này thường gây hiểu nhầm, trước hết chúng ta cần hiểu cách Google Analytics tính giá trị thời gian ở lại trên trang web như thế nào. Google Analytics đo thời gian người dùng ở lại trên một trang web bằng cách lấy thời điểm người dùng thoát khỏi trang đó trừ cho thời điểm người dùng vào xem nội dung trang, thời điểm thoát trang được tính khi người xem truy cập vào trang web khác trên website. Như trong hình trên, người dùng A bắt đầu vào Trang 1, sau đó chuyển sang Trang 2 và giá trị thời gian ở lại Trang 1 được tính là hiệu giữa thời gian rời Trang 1 và đến Trang 2 là 45 giây, nhưng người dùng B thì chỉ vào xem Trang 1 rồi thoát khỏi website nên mặc dù có ở lại trên Trang 1 một khoảng thời gian nhưng Google không thể tính được là ở lại bao nhiêu lâu. 
Điều này có nghĩa là sẽ có vấn đề nếu một người dùng không truy cập vào một trang web khác trên website đó thì Google không thể tính được giá trị này. Google sẽ không biết được người dùng đã ở lại trên trang đó bao lâu nên thời gian ở lại trên trang được Google gán là 0 và kết quả là giá trị Thời gian trung bình của người dùng ở lại trên trang không đúng.
Cách khắc phục
Để khắc phục, bạn có thể đưa vào website một đoạn mã Javascript ngắn để cứ sau mỗi 15 giây trang web sẽ kết nối với Google Analytics nếu người dùng vẫn còn ở trên trang. Sau đó bạn sẽ tạo báo cáo dạng Custom Report trên Google Analytics để theo dõi sự khác biệt giữa chỉ số Google tính và bạn có hiệu chỉnh (Average Engagement và Avg.Time on Page). Quan sát báo cáo Google Analytics sau bạn sẽ thấy với trang 31. Lập trình viên… tỷ lệ Bounce Rate là 100%, Avg.Time on Page là 0, nếu hiểu theo cách bình thường thì đây là trang mà người dùng vào rồi thoát ra ngay. Nhưng thật ra thì người dùng xem trang này khoảng 12 giây, sau đó chuyển website khác mà không xem trang nào khác trên web. Và như vậy bạn sẽ có những cải tiến trên website phù hợp hơn khi hiểu đúng hơn về hành vi của người dùng trên website của mình hơn. 
hoc digital
 

2. Tỷ lệ thoát – Bounce Rate

Tỷ lệ thoát là một trong những số liệu thường được tham chiếu nhất được sử dụng để đánh giá chất lượng của trang web với người dùng. "Bounce" xảy ra khi người dùng truy cập thoát trang web mà mình đến (landing page) mà không đi đến bất kỳ trang nào khác của website. Đây là dấu hiệu để biết nội dung trang web có liên quan, hữu ích cho người sử dụng không và làm thế nào để đưa họ đến các web cần thiết khác trên website của bạn. 
Thông tin này cũng là một trong những hiểu lầm thường gặp nhất khi phân tích website với Google Analytics. Tỷ lệ thoát được Google Analytics xác định như sau:
Bounce rate (của 1 trang web) = tổng số lượt người dùng chỉ vào và xem trang đó rồi thoát ra (Bounces) / tổng số lượt vào trang đó (Entrances). 
huong dan su dung google adword
Cách khắc phục
Tỷ lệ thoát cao có thể do một hoặc nhiều yếu tố khác nhau như:
Website là dạng Single-page 
Nếu website của bạn chỉ có một trang web duy nhất gồm đầy đủ các mục cần thiết. Kết quả là website bạn có tỷ lệ thoát cao. Lúc này để tìm hiểu kỹ hơn về hành vi người dùng ở các mục trên trang, bạn có thể triển khai phương pháp đo lường hiệu quả theo Event (Sự kiện).
Cài đặt mã lệnh Google Analytics chưa đúng
Một lý do cũng thường gặp là bạn cài mã lệnh Google Analytics chưa đúng ở một số trang web nào đó. Đặc biệt, nếu bạn thấy tỷ lệ Bounce Rate cao đặc biệt ở một số trang, bạn hãy kiểm tra lại xem bạn đã thêm cùng mã theo dõi giống nhau vào tất cả các trang trên website của bạn chưa.
Nội dung, thiết kế chưa phù hợp
Nếu tất cả các trang web đều có chứa mã theo dõi giống nhau nhưng bạn vẫn thấy tỷ lệ thoát cao, bạn có thể xem xét lại thiết kế, nội dung và những tiện ích, trải nghiệm người dùng trên trang. Bạn cần tối ưu hóa các trang đó để chúng gắn liền với các thuật ngữ tìm kiếm đưa người dùng đến trang web của bạn, liên quan đến các quảng cáo bạn đang chạy. Bạn cũng có thể thay đổi quảng cáo hoặc từ khóa để hướng đến những khách hàng mục tiêu phù hợp hơn đến nội dung trang. 
Nếu bạn thắc mắc, vậy thì “Thế nào là Bounce Rate tốt?" Câu trả lời thực sự phụ thuộc vào doanh nghiệp của bạn. Bạn cần theo dõi hiệu quả kinh doanh và thường xuyên đánh giá các cải tiến mình đã thực hiện để biết được thực sự với ngành mình thì hành vi khách hàng như thế nào và Bounce Rate như thế nào là tốt. 

3. Người dùng mới và người dùng quay lại (New – Returning Visitor)

Quá trình Google Analytics theo dõi người dùng mới đến website và người dùng cũ cũng có thể có sai lệch. Người dùng quay lại được theo dõi, ghi nhận bằng các đoạn "cookie" lưu trữ trên máy tính, có nghĩa là bất cứ ai đã xóa lịch sử duyệt web của họ đều xem như là người dùng mới khi họ truy cập vào trang web của bạn một lần nữa. Ngoài ra, nếu một người dùng đã truy cập trang web của bạn trước đó từ thiết bị khác thì người đó sẽ lại được tính là một người dùng mới thay vì một người dùng quay trở lại. Dĩ nhiên, bạn sẽ muốn có lượng người dùng quay lại trên website mình nhiều hơn vì điều đó chứng tỏ sản phẩm, dịch vụ của bạn đã tạo được sự quan tâm của khách hàng và có thể họ sẽ dần hình thành ý định mua hàng. Tuy nhiên, số liệu này trên Google Analytics chưa được chính xác, Google Analytics đang phân loại một số lượng lớn khách truy cập của bạn là "mới" trong khi thực tế họ là các người dùng quay lại.
huong dan su dung google analytics
 
Để làm tốt công việc quản trị website, SEO cho website hay chuyên gia Internet Marketing, bạn nhớ đừng quên thường xuyên đọc, phân tích các số liệu trên Google Analytics để hiểu hơn về khách hàng, về hiệu quả các chiến dịch đã thực hiện mà có những cải tiến sao cho hiệu quả. Với các số liệu phân tích website trên Google Anaylics, bạn sẽ biết được rất nhiều điều hữu ích, giá trị. 
 
Chúc bạn thành công !
Trung tâm Tin học Đại học Khoa học Tự nhiên
 
 
 
ai
Trung Tâm Tin Học
ai
Trung Tâm Tin Học
Chào mừng bạn đến với Trung Tâm Tin Học.
Bạn đang cần hỗ trợ thông tin gì ạ? Hãy Chat ngay với chúng tôi nhé.